Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Thăng Bình - Quảng Namhttp://mattranthangbinh.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 11/10/2023 05:09
Ngày 11/10/2023, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức Tọa đàm Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc nâng cao chất lượng xây dựng Tộc họ văn hóa gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện. Tham dự tọa đàm có ông Hồ Văn Minh - UVBTV, Phó Chủ tịch HĐND huyện; bà Phan Thị Nhi - UVBTV, Phó Chủ tịch UBND huyện; đại diện lãnh đạo các ban, ngành, hội đoàn thể huyện; đại diện lãnh đạo UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, đại diện Trưởng ban Công tác Mặt trận các khu dân cư và các Tộc văn hóa tiêu biểu trên địa bàn huyện. Ông Nguyễn Thanh Phong - UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và ông Nguyễn Văn Đông - HUV, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì buổi tọa đàm.
Mô hình “Tộc văn hóa” ra đời từ thực tiễn triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là một trong những mô hình vận động sức dân một cách sáng tạo, đem lại hiệu quả nhất định và trở thành một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 3405/QĐ-UBND về quy chế công nhận “Tộc văn hóa” trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã cụ thể hóa 06 tiêu chuẩn, thủ tục công nhận “Tộc văn hóa”. Tiếp tục đến năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1637/QĐ-UBND về Quy chế công nhận danh hiệu “Tộc văn hóa” trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Từ đây, mô hình “Tộc văn hóa” được phát triển, trở thành một trong những nội dung thi đua ở các địa phương trong triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Từ khi phát động đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện đã làm tốt vai trò chủ trì, phối hợp cùng các tổ chức thành viên cùng cấp tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, Hội đồng gia tộc và các thành viên trong gia tộc xây dựng “Tộc văn hoá”. Theo đó, nhiều Tộc đã tích cực trong việc phối hợp cùng với địa phương xây dựng nhiều mô hình, việc làm thiết thực như: Tộc họ đăng ký con cháu không vi phạm luật giao thông; tộc tự quản an ninh trật tự, không sinh con thứ ba trở lên; phấn đấu không còn hộ nghèo; ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền; mô hình “tộc không rải vàng mã trên đường đưa tang”; mô hình tộc 3 không: “Không thất học – không đói nghèo – không tội phạm”… vận động bà con dòng tộc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, giáo dục con cháu sống và làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài, giúp nhau phát triển kinh tế…; các mâu thuẫn nhỏ cũng được các gia tộc hòa giải ổn thỏa; các tộc họ trong huyện thực hiện tốt tộc ước văn hoá như tộc Dương Văn, tộc Võ Viết (Bình Tú), tộc Phan – Phái Phan Văn (Thôn Lạc câu, Bình Dương), tộc Trương Công (Bình Minh), tộc Trần Công (Thôn Phước Long, Bình Đào), Hội đồng dòng họ Vũ – Võ Thăng Bình… Qua khảo sát đến cuối năm 2022, toàn huyện có 427/523 Tộc có nhà thờ hoặc Từ đường, trong đó có 301 tộc đã xây dựng Quy ước và phát động xây dựng Tộc văn hóa, 236/301 tộc đạt danh hiệu Tộc văn hoá đạt tỷ lệ 78,4%. Bên cạnh những kết quả đạt được, tại một số địa phương, mặc dù có các Tộc họ văn hóa tiêu biểu, hoạt động rất tốt nhưng tỷ lệ Tộc đạt Tộc văn hóa chưa cao, chưa đảm bảo chỉ tiêu đề ra của huyện. Một số tộc chưa duy trì tốt danh hiệu “Tộc văn hóa”, chưa có nhiều mô hình thiết thực gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tại buổi tọa đàm, đại diện các cơ quan phối hợp, hội đoàn thể huyện, Ban Chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cùng các tộc họ văn hóa tiêu biểu đã phát biểu tham luận nhằm làm rõ hơn những nội dung về kết quả nâng cao chất lượng hoạt động của Tộc văn hóa, công tác phối hợp trong việc xét công nhận “Tộc văn hóa”, khẳng định vai trò của MTTQ Việt Nam và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong xây dựng Tộc văn hóa. Đặc biệt, đại diện các Tộc văn hóa đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm hiệu quả trong việc xây dựng, kết nối dòng tộc; điều hành, quản lý hoạt động của tộc; hưởng ứng tham gia thực hiện tốt 05 nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, công tác khuyến học, khuyến tài, các hoạt động nhân đạo, từ thiện…
Ông Nguyễn Thanh Phong - UVBTV, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đánh giá cao nội dung tham luận của các cơ quan, đơn vị và Tộc họ văn hóa, nghiêm túc tiếp thu những kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay lồng ghép vào nội dung tuyên truyền, vận động để nhân rộng, nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng Tộc họ văn hóa trong thời gian đến. Bên cạnh đó, đề nghị MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện và các tổ chức thành viên tiếp tục quán triệt, xác định công tác xây dựng Tộc họ văn hóa là một trong những nhiệm vụ trong tâm, thường xuyên, liên tục; có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong việc khảo sát, nắm số lượng và tình hình hoạt động của các tộc trên địa bàn; tăng cường vận động và hướng dẫn các tộc có đủ điều kiện tổ chức phát động đăng ký tộc văn hóa nhằm phát triển số lượng cũng như nâng cao chất lượng Tộc họ văn hóa trên địa bàn huyện./.
Tác giả bài viết: Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện