Bình Đào: Nhiều mô hình hay, phát huy hiệu quả kinh tế trong xây dựng Nông thôn mới

Thứ sáu - 28/04/2023 05:40
Trong những năm qua, việc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã được cả hệ thống chính trị của huyện Thăng Bình nói chung và xã Bình Đào nói riêng vào cuộc quyết liệt, cùng với Nhân dân không ngừng phấn đấu thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ở địa phương đã được nâng lên rõ rệt.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, Đảng bộ xã luôn đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là khơi dậy tính tự lực, tự cường, chủ động tích cực của người dân trong thực hiện chương trình.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp chặt chẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, góp phần từng bước hoàn thành các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Trong đó chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, phát triển Kinh tế hợp tác, Hợp tác xã. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào và các tổ chức chính trị - xã hội xã triển khai tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình tổ hợp tác…, Kết quả năm 2020 đã triển khai, hướng dẫn người dân xây dựng Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang, qua đó hướng dẫn phương án kinh doanh đạt hiệu quả phù hợp với nhu cầu thiết yếu của từng thành viên trong tổ hợp tác
to hop tac 1
Tổ hợp tác Khởi nghiệp Trường Giang
Tổ Hợp tác khởi nghiệp Trường Giang bắt đầu thành lập vào tháng 04/2020; tại tổ 7, thôn Phước Long, xã Bình Đào do một nhóm hộ gia đình gồm 06 thành viên do anh Võ Ngọc Anh làm Tổ trưởng, Tổ hợp tác gồm những thanh niên và nông dân trẻ, có cùng chí hướng, tâm huyết muốn khởi nghiệp trên đồng ruộng quê hương. Với mục tiêu ban đầu là mong muốn tạo ra một bước ngoặc mới trên lĩnh vực nông nghiệp bằng việc thực hiện tích tụ ruộng đất bỏ hoang để đưa vào cải tạo, chuyển đổi cây trồng và liên kết sản xuất nhằm tạo ra những cánh đồng có diện tích lớn, có diện mạo mới và có sức sống mới; không còn cảnh hoang hóa trên đồng ruộng.
Trước khi hình thành ý tưởng khởi nghiệp, anh Võ Ngọc Anh nhận thấy tại địa phương Bình Đào còn nhiều khu vực có diện tích đất hoang hóa do UBND xã quản lý bị sình lầy không sản xuất được trong thời gian dài và đất sản xuất do nhà nước giao cho Nhân dân bị bỏ hoang từ hai năm trở lên chiếm diện tích khá nhiều. Từ đó anh đã nghĩ ra ý tưởng thành lập Tổ hợp tác để phát triển kinh tế; theo đó cùng một nhóm thanh niên nông dân trẻ ngồi lại bàn bạc, lên kế hoạch khảo sát, đánh giá hiện trạng, lập dự toán nhu cầu cho từng khu vực và hình thành ý tưởng khởi nghiệp bằng việc lập đề án tích tụ, tập trung ruộng đất chủ yếu trên đất bỏ hoang để xây dựng Phương án đầu tư và liên kết sản xuất.
Theo Đề án giai đoạn từ năm 2020 – 2025, Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang sẽ thực hiện tích tụ với diện tích là 50,6 ha đất bỏ hoang để cải tạo hình thành những cánh đồng sản xuất tập trung như: Cánh đồng trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản, Cánh đồng liên kết sản xuất lúa giống, Cánh đồng liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao để xây dựng thương hiệu gạo sạch theo mô hình nông nghiệp an toàn. Tất cả những mô hình sản xuất trên, Tổ hợp tác sẽ từng bước liên kết đầu tư xây dựng những Tổ tham quan du lịch trải nghiệm trên những cánh đồng, những mô hình sản xuất mà Tổ Hợp tác đang quản lý. Không đi theo cách sản xuất truyền thống, manh mún, nhỏ lẽ, Tổ hợp tác đã tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những địa phương khác; nghiên cứu và lập kế hoạch sản xuất với những điều kiện cần và đủ trong canh tác sản xuất nông nghiêp; quy hoạch, chuyển đổi cây trồng thích hợp cho từng cánh đồng, từng loại đất để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả, năng suất và giá trị trên cùng đơn vị diện tích. 
Năm 2020 - 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, nhiều khu du lịch, nhiều nhà máy xí nghiệp bị đình đốn sản xuất, hạn chế việc làm với người lao động. Tuy nhiên Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang cũng có một năm đầy bận rộn với công tác sản xuất trên đồng ruộng. Nhận thấy ý tưởng ban đầu đã đi đúng hướng, anh Võ Ngọc Anh cùng các tổ viên bắt tay vào việc hợp đồng với các đơn vị, doanh nghệp cơ giới dùng xe múc, xe cày chuyên dụng lên bờ vùng, bờ lô đào đắp nâng cấp đường giao thông, mương tưới tiêu, cải tạo đồng ruộng sình lầy, biến những khu vực đất hoang hóa, cỏ dại tại thôn Vân Tiên và thôn Trà Đoá 1, Trà Đóa 2 thành những cánh đồng sen tươi đẹp; đồng thời liên kết với Công ty giống nông nghiệp Hà Nội, Công ty phát triển nông nghiệp Minh Tâm Quảng Nam để sản xuất lúa giống, Nếp giống, lúa gạo chất lượng cao…
Những cánh đồng hoa sen rộng lớn, tươi tốt
Tính đến cuối năm 2022, Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang đã thực hiện phương án tích tụ, tập trung được 32,8 ha đất bỏ hoang để cải tạo và đưa vào sản xuất. Trong đó đất trồng sen: 17,8 ha – Đất liên kết sản xuất Nếp giống, lúa giống: 15 ha. Trong năm 2021 và 2022 vừa qua, mặc dù còn nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất nhưng những ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp của Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang cũng đã từng bước đem lại những kết quả thiết thực, những quả ngọt đầu mùa đã làm ngọt dịu thay cho những giọt mồ hôi mà các thành viên đã một nắng hai sương vất vả,  những gia đình thành viên của Tổ hợp tác cũng có thu nhập khá ổn định, kinh tế gia đình từng bước phát triển, một số thành viên đã đầu tư mua sắm máy móc, công cụ sản xuất như máy cày, máy xay gạo công nghệ mới Hàn Quốc, máy ép chân không, máy đóng gói bao bì sản phẩm…; và đặc biệt Tổ hợp tác đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 12 lao động, giải quyết việc làm thời vụ trên 25 lao động với những công việc như: thu hái, bóc hạt sen, làm cỏ, cấy dặm và chế biến nông sản.
Mùa vụ thu hoạch sen bắt đầu từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 8 hằng năm. Công việc thu hái, bóc vỏ ra khỏi đài sen và chế biến thành phẩm là một chuổi công đoạn liên tục phải làm trong ngày nên đòi hỏi nhiều lao động tham gia. Trong đó người thu hái: 500.000 đồng/công – Người bóc hạt: 3.000 đồng/kg – Người chế biến bóc vỏ thành phẩm: 25.000 đồng/kg (hạt thô). Bình quân mỗi người tham gia chế biến tách hạt sen có thu nhập từ 150.000 đồng – 200.000 đồng/ngày, góp phần đáng kể tạo thu nhập cho người lao động trong Tổ hợp tác. Hầu hết mô hình trồng sen đều đem lại lợi nhuận gấp 1,5 - 2 lần trồng lúa thương phẩm. Bình quân mỗi ha sen thu hoạch được: 3,0 – 3,5 tấn, doanh thu từ 105.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng/ha; lợi nhuận trên 20.000.000 đồng/ha. Ngoài ra một số mô hình còn kết hợp trồng sen nuôi cá tự nhiên; trồng sen kết hợp làm du lịch trải nghiệm bước đầu đem lại giá trị kinh tế, làm đẹp đồng quê.... Doanh thu từ mô hình trồng sen của Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang năm 2022 (với 17,8 ha) là: 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận trên 356 triệu đồng.
giai quyet viec lam tu cay sen 1
Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang giải quyết việc làm cho người dân từ việc thu hái và bóc vỏ hạt sen
Bên cạnh những cánh đồng trồng sen, những khu vực có thể áp dụng được cơ giới hoá trong sản xuất, Tổ hợp tác đã tiến hành khai hoang, chỉnh trang cải tạo đồng ruộng; đồng thời kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào hợp tác, liên kết sản xuất lúa giống, nếp giống. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống, nếp giống trong 02 năm qua mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, tác động bất lợi của điều kiện thời tiết bất thường; tuy nhiên đã bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế nhất định. Giá cả của hạt lúa giống tăng hơn lúa thương phẩm gấp 1,3 lần.
Doanh thu từ mô hình liên kết sản xuất lúa giống, nếp giống của Tổ hợp tác năm 2022 (15 ha) là: 1,12 tỷ đồng; lợi nhuận trên: 150 triệu đồng.
Từ hiệu quả của 02 mô hình trồng sen và sản xuất lúa giống, Tổ hợp tác đã tập trung hình thành khu vực sản xuất lúa gạo chất lượng cao như ST24, ST25 thông qua hình thức liên kết với một số hộ Nông dân và HTX Nông nghiệp Bình Đào để để sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch. Tổ hợp tác thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao gấp 1,3 lần so với lúa thương phẩm.Sản phẩm Gạo sạch Trường Giang ST24 của Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang đã được Hội đồng đánh giá phân hạng OCOP tỉnh và  UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là sản phẩm OCOP  đạt 03 sao năm 2021.

Tính đến hiện tại, Tổ hợp tác đã có 03 sản phẩm gồm Gạo sạch Trường Giang, Hạt sen sạch Trường Giang, Trà Hương sen đã được buôn bán, giới thiệu tại các cửa hàng nông sản sạch, cửa hàng OCOP Thăng Bình, Tam Kỳ, Đại Lộc, Hội An… và thường xuyên tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh.
trung bay san pham ocop 1
Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại thành phố Tam Kỳ
Qua hơn 02 năm đi vào hoạt động thực hiện ý tưởng khởi nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn và đồng hành cùng bà con Nông dân trong sản xuất, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn vất vả nhưng Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang vẫn giữ vững và phát huy các thế mạnh với diện tích lớn đất đai được tập trung phục vụ cho nhu cầu phát triển sản xuất. Những cánh sen tươi đẹp, cánh đồng lúa trù phú hứa hẹn những vụ mùa bội thu cho thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, góp phần thay đổi diện mạo xã nhà, tạo tiềm lực to lớn cho công tác xây dựng nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao tại địa phương./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thành Long. Chủ tịch UBMTTQVN xã

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây